Tin tức

Vaccine cúm mùa năm 2023 có gì mới?

Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus). Bệnh có tính lây lan cao và có thể gây thành dịch hoặc đại dịch khi có sự biến đổi lớn của virus cúm. Khi nhiễm cúm, trẻ nhỏ và người cao tuổi, người có bệnh nền có thể diễn tiến nặng và có các biến chứng nghiêm trọng.Tiêm phòng cúm hàng năm là biện pháp bảo vệ chủ động hiệu quả trước sự biến đổi liên tục của virus cúm. Vậy vaccine cúm tứ giá mùa Nam bán cầu 2023 có gì thay đổi so với mùa trước?

Tình hình lưu hành của cúm và các virus hô hấp như cúm, COVID-19… hiện nay như thế nào?

Trong mùa đông xuân 2022-2023 vừa qua, Mĩ và các nước châu Âu ghi nhận tỷ lệ nhiễm cúm tăng cao so với cùng kì 2021-2022 do thời tiết lạnh. Đặc biệt là nhóm từ 0-1 tuổi vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các trường hợp cần thăm khám do bệnh lý hô hấp bao gồm cả cúm, COVID-19 hoặc RSV gây ra.

Việt Nam cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp trẻ và người lớn bị nhiễm virus hô hấp, trong đó cúm là một trong các tác nhân chủ yếu. Từ tháng 7/2022, các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận số ca mắc cúm A tăng, gồm cả trẻ em và người trong độ tuổi lao động. Một trong những lý do khiến cúm bùng phát trong thời gian qua là người dân không tiêm vaccine cúm trong giai đoạn đại dịch COVID-19, dẫn đến miễn dịch với cúm suy giảm đồng thời các biện pháp phòng bệnh như giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay… cũng giảm. Tương tự, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng ghi nhận hơn 100 ca mắc cúm A thăm khám và nhập viện điều trị trong vòng 2 tuần. Có ngày tiếp nhận cùng lúc 20 bệnh nhân tại khu công nghiệp cùng nhập viện do cúm A. Những thống kê gần đây cho thấy, trong tổng số những trường hợp tử vong liên quan tới cúm có tới 70-85% là người trên 65 tuổi, 50-70% trong tổng số trường hợp phải nhập viện cũng rơi vào độ tuổi này. Ngoài ra, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhi mắc cúm, tăng so với cùng kỳ các năm trước. Trong đó có nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, 45% trẻ mắc cúm A vào viện có hiện tượng co giật, 6% biểu hiện viêm não.

Bên cạnh cúm, số ca COVID-19 đang tăng dần từ đầu tháng 4/2023.

Nghiên cứu cho thấy người nhiễm đồng thời COVID-19 và cúm trở nặng phải thở máy cao gấp 4 lần và nguy cơ tử vong cao gấp 2,4 lần so với người chỉ bị nhiễm một trong hai loại vi rút.

Phân tích mới nhất từ CDC trong thời gian 2021-2022 trên trẻ nhập viện được xét nghiệm cúm và COVID-19, có bệnh nền và chưa tiêm chủng cúm đầy đủ, cho thấy tỷ lệ đồng nhiễm tuy thấp nhưng làm tăng tỷ lệ phải thở máy lên 2 đến 3 lần so với chỉ nhiễm cúm, đồng thời 16% ca tử vong liên quan đến cúm có đồng nhiễm với COVID-19.

Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của tác giả Amit Bahl vừa được đăng tải trên trang y khoa uy tín hàng đầu Lancet. Nghiên cứu này cho thấy việc đồng nhiễm các loại virus này thường xảy ra ở trẻ nhỏ hơn (tuổi trung bình 1.2 tuổi) và tỷ lệ diễn tiến bệnh nặng hơn xảy ra trong 45.6% trường hợp đồng nhiễm (so với 22.1% trường hợp không đồng nhiễm).

Tầm quan trọng của tiêm phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người có nguy cơ

Trong chương trình toạ đàm tư vấn “CÚM MÙA Ở TRẺ TỪ 6 THÁNG TUỔI: NGUY CƠ VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA” được phát sóng trực tuyến trên VNExpress ngày 17/03, BS. Trương Hữu Khanh, phó Chủ tịch Liên chi Hội Bệnh Truyễn nhiễm TP HCM và PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa, Chủ nhiệm bộ môn Khoa học Y sinh, Viện Pasteur TP.HCM đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về cách phòng ngừa chủ động bảo vệ sức khỏe cho các bé trước virus cúm.

BS Khanh cho biết triệu chứng của cúm thay đổi tùy theo sức đề kháng của trẻ, bao gồm triệu chứng thông thường như sốt nhẹ rồi tăng dần, ho, đau họng mệt mỏi, kém ăn. Tuy nhiên, do dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của cảm lạnh nên có thể không được chẩn đoán cúm sớm và chính xác, nếu trẻ có sức đề kháng yếu có thể diễn biến đến các biến chứng rất nhanh, trong đó có viêm phổi dẫn đến suy hô hấp gây nguy hiểm cho trẻ.

Ngoài ra, việc trẻ nhiễm cúm còn có thể trở thành nguồn lây cho người thân trong gia đình, cho bạn bè cùng lớp, dẫn đến mắc cúm trên các đối tượng nguy cơ cao như ông bà trong gia đình hay trẻ khác. Cùng với đó, dẫn đến mất ngày công chăm sóc của bố mẹ cho cả trẻ hay người lớn tuổi, người miễn dịch suy giảm trong gia đình.

Qua phần trao đổi, khi đánh giá nguy cơ lây nhiễm, cùng như những biến chứng ở trẻ khi nhiễm cúm, cả hai chuyên gia cùng đánh giá việc chủ động phòng bệnh là cần thiết, đặc biệt quan trọng là biện pháp Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng cúm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả các loại vắc xin cúm đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm thiểu 70-80% tỷ lệ tử vong do cúm.

Khuyến cáo của WHO cho mùa cúm Nam bán cầu 2023 có gì mới?

Tiêm phòng cúm nhắc lại hàng năm có ý nghĩa quan trọng do sự biến đổi liên tục của vi rút cúm đang lưu hành.

BS. Khanh chia sẻ cúm hiện nay không còn xảy ra theo mùa mà diễn biến phức tạp quanh năm, với sự biến đổi liên tục của kháng nguyên gây bệnh. Do đó, việc tiêm phòng cúm nên được thực hiện ngay tại thời điểm có sẵn vắc xin và tối ưu nhất là tại đầu các thời điểm có vắc xin mùa mới vào giai đoạn tháng 4-5 hoặc tháng 9-10 hàng năm.

Các khuyến cáo đáng tin cậy của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã giúp các nhà sản xuất vắc xin cập nhật các loại vắc xin ứng biến với nguy cơ bùng phát dịch. 

Khác với vắc-xin cúm tứ giá mùa Bắc bán cầu 2022/2023, các vắc-xin cúm tứ giá mùa cúm Nam bán cầu năm 2023 sẽ bao gồm 4 chủng virus cúm:

  1. Sydney/5/2021 (H1N1)pdm09-like virus
  2. Darwin/9/2021 (H3N2)-like virus
  3. Austria/1359417/2021 (B/Victoria lineage)-like virus
  4. Phuket/3073/2013 (B/Yamagata lineage)-like virus

Trong đó, vaccine tiểu đơn vị chỉ chứa thành phần kháng nguyên chọn lọc của virus cúm nhằm hạn chế tác dụng ngoại ý như sốt, đau tại chỗ tiêm.

Tóm lại, tiêm phòng cúm trong giai đoạn hiện tại rất quan trọng. Trẻ em từ 6 tháng tuổi; người lớn, đặc biệt người cao tuổi; người mắc bệnh mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch… nên đến trung tâm tiêm chủng hoặc trung tâm y tế dự phòng gần nhất để tiêm phòng cúm hàng năm với vaccine cập nhật chủng mới nhằm phòng tránh biến chứng nguy hiểm, bảo vệ bản thân và gia đình.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.cdc.gov/ncird/surveillance/respiratory-illnesses/
  2. https://www.ecdc.europa.eu/en/publications-data/weekly-influenza-update-week-2-january-2023
  3. https://www.aarp.org/health/conditions-treatments/info-2022/older-adults-high-dose-flu-shot.html
  4. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/them-716-ca-mac-COVID-19-so-benh-nhan-tho-oxy-tang-vot-11923041618105501.htm
  5. https://www.ed.ac.uk/news/2022/COVID-19-with-flu-increases-risk-of-severe-illness
  6. Amit Bahl et al., The Lancet Regional Health – Americas 2023;18: 100405
  7. https://www.facebook.com/congdongvnexpress/videos/1671934953225503/
  8. https://soyte.hanoi.gov.vn/chuong-trinh-y-te/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/benh-cum-co-nen-tiem-phong-vac-xin-

Nguồn: acare.abbott.vn

Thông tin

Hãy điền thông tin trước khi làm bài kiểm tra bạn nhé

Hãy kiểm tra lại thông tin một lần nữa


Họ và tên
Công ty
Số điện thoại
Mã nhân viên
Thay đổi thông tin
This site is registered on wpml.org as a development site.