Báo cáo của các địa phương từ đầu năm đến nay cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, số ca mắc sốt xuất huyết tại nước ta đã tăng 53%, trong đó số ca tử vong đã tăng 17 trường hợp, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam. Bộ Y tế cảnh báo hiện nay đang là cao điểm mùa dịch, dự báo số ca mắc trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Hiện nay đã bước vào mùa mưa, chính là mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Vì vậy, để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, mỗi người dân, mỗi gia đình hãy cùng nâng cao hiểu biết về bệnh sốt xuất huyết và thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết dưới đây.
Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm so virus Dengue gây ra. Sốt xuất huyết được lây truyền từ người bị nhiễm bệnh sang người khỏe mạnh qua muỗi vằn bị nhiễm virus Dengue. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, nhưng số ca nhiễm bệnh thường gia tăng vào mùa mưa.
Những triệu chứng của sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết thể nhẹ
Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt cao đột ngột và sẽ kéo dài trong vòng 4-7 ngày. Ngoài ra, còn có các triệu chứng như:
- Nhức đầu, đau phía sau mắt (hốc mắt) dữ dội, khớp và cơ
- Buồn nôn và ói mửa
- Phát ban (chấm đỏ ngoài da)
Sốt xuất huyết thể nặng
Sốt xuất huyết thể nặng thường xảy ra vào lần nhiễm bệnh sau. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2-5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Dạng bệnh này có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Nếu người bệnh có bất kì những triệu chứng nào sau đây ngoài những triệu chứng của thể nhẹ, họ cần được lập tức đưa đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời:
- Xuất huyết (ví dụ chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen) chảy máu dưới da gây ra vết bầm tím, tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết)
- Vật vã, li bì, da lạnh, vã mồ hôi, tím tái
- Vùng hạ sườn phải đau khi ấn vào
- Nôn nhiều, tiểu ít
Phòng ngừa sốt xuất huyết như thế nào?
Những biện pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn ngừa nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết bao gồm loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, phòng chống muỗi đốt và diệt muỗi, loăng quăng bọ gậy.
Cụ thể, chúng ta nên thực hiện các biện pháp như:
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi: Đậy kín hoặc thường xuyên rửa tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Giữ cho nơi sinh sống và làm việc sạch sẽ, khô ráo, gọn gàng. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong và xung quanh nhà và nơi làm việc (ví dụ chai lọ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…).
- Phòng chống muỗi đốt: Ngủ trong màn kể cả ban ngày, bôi kem, mặc quần áo dài tay, lắp lưới chống muỗi.
- Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Thả cá diệt loăng quăng bọ gậy trong nước.
- Cho người bị nhiễm bệnh nằm trong màn, tránh muỗi đốt lây lan bệnh cho người khác.
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống, VinMec, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN)