Sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc ngày càng được quan tâm nhưng chưa thực sự được đề cao tại tất cả các doanh nghiệp. Mức độ nhận biết của các nhà quản lý cũng như người lao động về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc còn thấp trong khi hậu quả của các vấn đề này vẫn tiếp tục tăng. Vậy sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc là gì, mức độ ảnh hưởng của nó và biện pháp phòng chống như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu.
Sức khỏe tâm thần là gì?
Sức khỏe tâm thần không chỉ là sự “vắng mặt” của các bệnh tâm thần. Nó còn là một tình trạng thoải mái, hạnh phúc của mỗi con người khi người đó có thể nhận thấy những tiềm năng của chính mình, có thể ứng phó với những tác nhân gây stress thường ngày, có thể làm việc một cách sáng tạo và hiệu quả, và đồng thời có thể tham gia đóng góp cho cộng đồng mà mình đang sống.
Sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc ngày càng quan trọng hơn đối với văn hóa của doanh nghiệp đặc biệt sau đại dịch. Tại Hội nghị cấp cao về sức khỏe tâm thần và việc làm được tổ chức tại Bỉ ngày 30,31 tháng 01 năm 2024 của Hội đồng EU, Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) đã thảo luận về cách thức có thể thúc đẩy sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc và thông báo ngắn gọn cho những người tham gia về những phát triền mới nhất trong lĩnh vực này. Theo ông Joaquim Pintado Nunes, Giám đốc chi nhánh ILO chịu trách nhiệm quản lý lao động cho biết: “ Thế giới việc làm đang thay đổi với tốc độ đáng kể và các hình thức làm việc mới đã làm trầm trọng thêm các rủi ro tâm lý xã hội và sức khỏe tâm thần theo nhiều cách”. Tình trạng bất ổn trong công việc ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, một số trường hợp người lao động có thể cảm thấy bị cô lập hơn đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất (ví dụ: những người có trình độ kém nhất, phụ nữ, người di cư). Ngoài ra, các yếu tố như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thông tin sai lệch và phân biệt đối xử cũng đang ảnh hưởng đến cả nơi làm việc và người lao động, làm tăng mức độ căng thẳng và lo lắng.
Mối lo ngại về sức khỏe tâm thần trong dân số lao động đang ở mức cao đáng báo động. Theo nghiên cứu chung của ILO-WHO, trên toàn cầu, 15% người trưởng thành trong độ tuổi lao động mắc chứng rối loạn tâm thần. Trầm cảm và lo lắng khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại gần một nghìn tỷ USD mỗi năm, chủ yếu là do năng suất bị giảm.
Tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần không nằm ngoài tình hình chung của toàn cầu. Theo những nghiên cứu trên mẫu diện rộng, tỷ lệ rối loạn tâm thần đi từ 20-30%.
Tuy nhiên, hơn 50% các nước phát triển không cung cấp bất cứ sự chăm sóc nào tại cộng đồng cho những người bị rối loạn tâm thần. Và hơn 75% người bị rối loạn trầm cảm tại các nước đang phát triển không được chữa trị thỏa đáng.
Các yếu tố rủi ro tâm lý xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc
- Áp lực cao trong công việc do khối lượng công việc nặng, nhịp độ làm việc cao, thời hạn liên tục và ngắn hạn
- Mất cân bằng giữ nỗ lực và khen thưởng
- Không sử dụng được kỹ năng của bản thân hoặc không đủ kỹ năng thực hiện công việc
- Thiếu sự đa dạng trong công việc
- Thiếu kiểm soát thiết kế công việc hoặc khối lượng công việc; không được tham gia vào việc quyết định công việc của chính mình
- Thiếu nhân lực
- Thời gian làm việc dài hoặc không có tính xã hội; làm việc theo ca; giờ không linh hoạt
- Thiết bị và nguyên liệu không an toàn, điều kiện làm việc thể chất kém ( ánh sáng kém, tiếng ồn, tư thế làm việc không thoải mái…)
- Bị bạo lực, quấy rối hoặc bắt nạt, cô lập về mặt xã hội, phân biệt đối xử; hỗ trợ hạn chế từ người giám sát hoặc đồng nghiệp, sự giám sát độc đoán và quản lý tuyến kém
- Công việc không ổn định; đầu tư phát triển kém; hạ thi đua khen thưởng do thủ tục nghỉ ốm và quản lý hiệu suất
- Không cân bằng được công việc ở nhà và nơi làm việc; Khoảng cách di chuyển giữa nhà ở và nơi làm việc, biến đổi khí hậu, thông tin sai lệch,…
Các vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp tại nơi làm việc
Lo âu, căng thẳng và trầm cảm là những loại vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất tại nơi làm việc. Những vấn đề này càng nghiêm trọng hơn khi kết hợp với áp lực phải đạt được hiệu quả làm việc như trước đại dịch, sự khó khăn khi quản lý mức độ cân bằng giữa đời sống và công việc, tình trạng mất cảm giác gắn kết, cũng như nỗi lo lắng về chi phí sinh hoạt. Tất cả các yếu tố này đều có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, từ đó dẫn đến tình trạng:
- Giảm năng suất cá nhân
- Không muốn thăng tiến hoặc phát triển sự nghiệp chậm hơn
- Chán nản và cảm thấy tách biệt
- Dễ cáu gắt
- Tập trung kém
Đối với đội ngũ và toàn thể doanh nghiệp, những khó khăn về sức khỏe tâm thần có thể là:
- Sự căng thẳng giữa đồng nghiệp tăng
- Không hỗ trợ văn hóa và mục tiêu của công ty
- Không linh hoạt
- Hành vi bắt nạt và quấy rối tâm lý
- Khả năng sáng tạo, sự đổi mới và năng suất tổng thể giảm dần
Một số dấu hiệu chung phổ biến có thể gặp phải khi có rối loạn về sức khỏe tâm thần:
- Chán ăn hoặc ăn quá nhiều
- Trí nhớ giảm và khó tập trung
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Cảm thấy mệt mỏi dù đã ngủ đủ giấc
- Bị trơ cảm xúc hoặc khó đồng cảm
- Cảm thấy khó hòa nhập với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và rút lui khỏi các hoạt động xã hội
- Không còn quan tâm tới các hoạt động, dù là hoạt động từng rất yêu thích
- Cảm thấy bản thân không có giá trị, vô vọng, vô dụng, là một gánh nặng
- Cảm thấy buồn bã, lo lắng, sợ hãi, tuyệt vọng liên tục trên 2 tuần
- Cảm xúc thay đổi thất thường, dễ bị kích động, bộc phát cảm xúc
- Vấn đề trong các mối quan hệ, có thể là mâu thuẫn, lạnh nhạt, xa cách
- Liên tục có suy nghĩ hồi tưởng hoặc hành vi lặp đi lặp lại
- Nghe hoặc nhìn thấy những thứ không thực sự tồn tại
- Có ý nghĩ làm tổn thương, gây hại chính mình hoặc người khác
- Cảm thấy khó thực hiện các hoạt động và công việc hàng ngày, tiêu biểu như hiệu quả công việc giảm sút mà không rõ lý do
- Nghiện rượu hoặc sử dụng ma túy.
Biện pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần
- Đối với người lao động
– Nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần và hạnh phúc tại nơi làm việc.
– Thay đổi thái độ xung quanh tình trạng sức khỏe tâm thần (giao tiếp cởi mở, lắng nghe, quan tâm đến người khác..) để giảm bớt sự kỳ thị.
– Khuyến khích hành vi tìm kiếm sự giúp đỡ (tích cực nói về cảm xúc của bạn, giữ liên lạc với người thân, bạn bè…)
– Xây dựng kỹ năng quản lý căng thẳng.
– Giảm các triệu chứng của tình trạng sức khỏe thâm thần, chấp nhận bản thân
– Sắp xếp hợp lý giữa lao động và nghỉ ngơi, đảm bảo ngủ tốt.
– Tổ chức tốt cuộc sống gia đình.
– Biết chọn lọc thông tin, có thái độ đúng với các cảm xúc âm tính, hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý. Giữ tinh thần lạc quan trong những thời điểm khó khăn
– Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Ăn đa dạng các loại thực phẩm, đảm bảo thực phẩm sạch, tránh nhiễm khuẩn, chất bảo quản…Hạn chế bia rượu, thuốc lá, tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích bị cấm
- Đối với nhà quản lý, doanh nghiệp
– Nhận biết và ứng phó phù hợp với những người được giám sát đang trải qua vấn đề về cảm xúc: Nâng cao nhận thức về các dấu hiệu, biểu hiện của tình trạng căng thẳng, lo âu và kiệt sức; chia sẻ những bí quyết hỗ trợ đồng nghiệp phát hiện cũng như giải quyết các vấn đề.
– Sử dụng các kỹ năng quản lý giữa các cá nhân như giao tiếp cởi mở và lắng nghe tích cực; lãnh đạo làm gương bằng cách đặt ra ranh giới giữa nhà và nơi làm việc, có ý thức kiểm soát căng thẳng, nghỉ phép và sống lành mạnh;
– Thúc đẩy một nền văn hóa làm việc hòa nhập và hỗ trợ: Tổ chức các buổi trò chuyện về sức khỏe tâm thần; giảm sự kỳ thị đối với người bệnh tâm thần; để nhân viên tham gia quá trình ra quyết định, đảm bảo tính cởi mở và minh bạch; cung cấp sự hỗ trợ về hoạt động đào tạo và phát triển thông qua việc cử nhân viên tham gia các buổi hội thảo, đào tạo, định hướng và nâng cao kỹ năng sẽ khiến nhân viên yên tâm phát triển sự nghiệp, đồng thời cho thấy lãnh đạo quan tâm đến nhân viên của mình.
– Vận động hành động vì sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc từ trên xuống: Tổ chức các hoạt động tập thể hàng ngày, hỗ trợ phòng tập/thẻ tập gym/yoga có trợ cấp; các buổi thực hành chánh niệm/ ngồi thiền; các hoạt động dã ngoại/ team building; Khuyến khích nhân viên tận dụng hết quyền lợi nghỉ phép của mình, hỗ trợ và tính đến kỳ nghỉ trong kế hoạch để các nhân viên không phải làm việc quá sức khi đồng nghiệp vắng mặt; khuyến khích thói quen lành mạnh…
– Hiểu những rủi ro tâm lý xã hội có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như thế nào và biết cách phòng ngừa và kiểm soát chúng: phổ cập cho người lao động sử dụng ứng dụng về chăm sóc sức khỏe tâm thần để tham khảo những bí quyết cùng lời khuyên, hỗ trợ đo lường, theo dõi những biểu hiện sức khỏe tâm thần tiêu cực và giúp mọi người quản lý sự cân bằng giữa đời sống và công việc, giảm sự căng thẳng lẫn lo âu.
– Đảm bảo rằng người lao động có thể tiếp cận sự hỗ trợ từ đại diện của họ, tùy từng trường hợp: Tổ chức các cuộc họp quy mô nhỏ hơn thường xuyên hơn để mọi người có thể tương tác nhiều và đưa ra sáng kiến đóng góp của bản thân; đưa sức khỏe tâm thần vào chính sách phúc lợi và bảo hiểm của công ty;
Tài liệu tham khảo:
- https://www.ilo.org/global/topics/safety-and-health-at-work/areasofwork/workplace-health-promotion-and-well-being/WCMS_856976/lang–en/index.htm
- https://belgian-presidency.consilium.europa.eu/en/news/conference-on-mental-health-and-work-primary-prevention/
- https://www.ilo.org/brussels/information-resources/news/WCMS_910146/lang–en/index.htm