Chiều 27/6, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân (Bộ Y tế) cho biết, giải trình tự gen cho thấy tại Việt Nam đã xuất hiện biến chủng phụ của Omicron là BA.5, có nguy cơ lấn át biến thể phụ cũ BA.2 đang chiếm ưu thế ở nước ta. Theo ông, chuyện xâm nhập biến chủng mới là bình thường do Việt Nam đang áp dụng các chính sách bình thường mới, mở cửa du lịch, giao thông, đi lại… Nhằm ứng phó với khả năng lây lan nhanh của các biến thể mới của COVID-19, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động giám sát, đề xuất điều chỉnh biện pháp chống dịch phù hợp.
Đánh giá ban đầu về biến thể
Biến thể BA.4 và BA.5 cùng lứa với biến thể phụ gốc BA.1 của chủng Omicron, được phát hiện lần đầu tại Nam Phi vào tháng 1/2022. Theo Cục trưởng Phan Trọng Lân, hiện nay thế giới vẫn đang tiếp tục đánh giá về tính lây lan của hai biến thể phụ mới BA.4 và BA.5. Một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy hai biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2. Tuy nhiên, nếu đối chiếu tương ứng theo số ca, số nhập viện và tử vong từ các làn sóng lây lan trước, khả năng gây bệnh nặng của hai biến chủng mới dường như thấp hơn so với làn sóng Omicron đầu tiên.
Hồi tháng 3/2022, WHO đã bổ sung biến chủng BA.4 và BA.5 vào danh mục các biến thể cần giám sát trong khi ECDC liệt hai dòng phụ này vào danh mục “các biến thể đáng lo ngại”. Tuy hiện chưa có bằng chứng cụ thể, một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện bệnh tăng nặng tại khu vực châu Phi. Dù vậy, để có bức tranh tổng thể cần thêm nghiên cứu tại châu Âu và Mỹ.
Nhận định và khuyến cáo từ WHO và Bộ Y tế
Tại Việt Nam, hiện vẫn duy trì tỷ lệ mắc thấp, lưu hành chủ yếu là biến thể BA.2 của chủng Omicron với biểu hiện lâm sàng nhẹ. Thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức nhiều chiến dịch tiêm chủng nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và đồng thời bảo vệ người có nguy cơ cao.
Mặc dù số mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, ở một số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới. Hiện nay, nhiều quốc gia đã dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch nên nguy cơ dịch quay trở lại là hoàn toàn có thể.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO nhận định thế giới vẫn đang trong đại dịch, đồng thời cảnh báo biến chủng mới có thể làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại. Omicron hiện là biến thể phổ biến nhưng chưa phải là biến thể cuối cùng. Vì thế, các nước vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine, giám sát trọng điểm…
Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vaccine phòng COVID-19 nhắc lại theo khuyến cáo để có thể tăng cường miễn dịch chống lại các biến thể mới của dịch bệnh. Trong khi vaccine COVID-19 đang được cải tiến trước sự ra đời của những biến thể mới, vaccine phiên bản gốc vẫn có hiệu quả đối với mọi loại biến thể của virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn và rửa tay thường xuyên vẫn là cách hữu hiệu để phòng mọi loại biến thể COVID-19.
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống, Thông tấn xã Việt Nam