Bạo lực và quấy rối (BL&QR) tại nơi làm việc đã xuất hiện từ rất lâu và tồn tại cùng với sự hình thành và phát triển của quan hệ lao động (QHLĐ). Những hành vi này có thể gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, sức khỏe thể chất, tinh thần và khiến môi trường làm việc trở nên thiếu thân thiện. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã làm gì để ngăn chặn tình trạng này? Tại Việt Nam vấn đề bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc như thế nào?
Bạo lực và quấy rối tràn lan và phụ nữ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc sống và sự nghiệp của họ. Bạo lực và quấy rối cũng khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng tỷ USD do vắng mặt, chi phí thay thế và năng suất. Năm 2018, quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc khiến thế giới thiệt hại 2,6 tỷ USD năng suất lao động và 0,9 tỷ USD chi phí tài chính khác. Nó tước đi phẩm giá của con người, cản trở công việc tử tế và là mối đe dọa đối với các cơ hội bình đẳng cũng như môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và hiệu quả. Nó vẫn là một dịch bệnh lan rộng, hiện diện ở tất cả các quốc gia – kể cả ở Thái Bình Dương – và trên tất cả các lĩnh vực, nghề nghiệp và cách sắp xếp công việc.
Vào ngày 21 tháng 6 năm 2019, trong Hội nghị Thế kỷ của Tổ chức Lao động Quốc tế, cộng đồng toàn cầu đã nêu rõ rằng bạo lực và quấy rối trong thế giới việc làm, bao gồm cả bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới, là không thể chấp nhận được. Họ đã hành động dứt khoát bằng cách thông qua Công ước về Bạo lực và Quấy rối (Số 190) và Khuyến nghị (Số 206). Các tiêu chuẩn mới công nhận quyền của mọi người được có một thế giới làm việc không có bạo lực và quấy rối
Tại Hội nghị Lao động Quốc tế Thế kỷ vào ngày 10-21 tháng 6 tại Geneva, ILO đã thông qua Công ước và Khuyến nghị toàn cầu đầu tiên về “Chống bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc”.
(Nguồn: ilo.org)
Công ước đại diện cho thỏa thuận toàn cầu đầu tiên chống lại bạo lực
Công ước thừa nhận rằng bạo lực và quấy rối trong thế giới việc làm là vi phạm nhân quyền và là mối đe dọa đối với các cơ hội bình đẳng; và không thể chấp nhận được cũng như không phù hợp với công việc tử tế.
“Công ước đặc biệt nhấn mạnh đến bạo lực đối với phụ nữ vì họ bị ảnh hưởng một cách không cân xứng.”
Hội nghị Lao động Quốc tế Thế kỷ vào ngày 10-21 tháng 6 tại Geneva
(Nguồn: ilo.org)
Nội dung cơ bản của Công ước (số 190) về chấm dứt Bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc.
Thứ nhất, nhận diện hành vi BL&QR tại nơi làm việc.
Điều 1.1 (a) của Công ước 190 quy định, “BL&QR trong công việc đề cập đến một loạt các hành vi và thực hành không được chấp nhận hay những mối đe dọa liên quan đến các hành vi và thực hành đó, dù xảy ra một lần hay lặp lại nhiều lần, nhằm mục đích gây ra, hoặc có khả năng gây ra những tác hại về thể chất, tâm lý, tình dục và kinh tế, bao gồm cả BL&QR trên cơ sở giới ”.
Như vậy, BL&QR có thể được hiểu là bao gồm:
- Hành vi có bản chất khác nhau, có thể là hành vi độc lập hoặc kết hợp nhiều hành vi.
- Đối với một số hành vi nhất định thì tần suất của hành vi đó cũng có thể là yểu tổ quan trọng xác định xem chúng có được coi là BL&QR tại nơi làm việc hay không
- Ngoài ra, hành vi đó phải là “không thể chấp nhận được” .
Công ước nhấn mạnh tác động tiêu cực của những hành vi này tới nạn nhân bao gồm những tổn hại về thể chất, tâm lý, tình dục hoặc kinh tế. Trong đó, những thiệt hại về kinh tế có thể bao gồm mất thu nhập hoặc thiệt hại về tài sản, nhưng cũng có những hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn tài chính, giáo dục hoặc cơ hội thăng tiến trong công việc.
Thứ hai, xác định đối tượng bảo vệ
Theo quy định tại Điều 2 Công ước số 190, các đối tượng thuộc phạm vi bảo vệ của Công ước bao gồm:
- Người lao động
- Người đang được đào tạo, thực tập sinh
- Người lao động đã bị chấm dứt việc làm
- Tình nguyện viên, ứng viên xin việc, và các cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo điều hành của người sử dụng lao động (NSDLĐ)
Công ước này áp dụng cho tất cả các khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức.
Thứ ba, xác định phạm vi nơi làm việc.
Công ước số 190 cho rằng, hành vi BL&QR có thể được thực hiện trong nhiều môi trường và theo các phương thức khác nhau, kể cả thông qua công nghệ. BL&QR trong thế giới việc làm xảy ra trong quá trình thực hiện công việc hoặc phát sinh từ công việc bao gồm:
- Địa điểm làm việc (không gian công cộng và riêng tư nơi họ làm việc);
- Ở những nơi người lao động được trả lương, nghỉ ngơi sử dụng các thiết bị vệ sinh, giặt giũ và thay quần áo;
- Trong các chuyến đi liên quan đến công việc, du lịch, đào tạo, sự kiện hoặc hoạt động xã hội;
- Thông qua các thông tin liên lạc liên quan bao gồm cả những thông tin được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin và truyền thông;
- Tại chỗ ở do NSDLĐ cung cấp, phương tiện di chuyển đến nơi làm việc…
Thứ tư, đảm bảo hòa nhập thông qua khả năng tiếp cận.
Theo Công ước số 190 khả năng tiếp cận là yếu tố cốt lõi để tạo điều kiện ngăn ngừa, thực thi và khắc phục hậu quả cũng như nâng cao nhận thức. Vì vậy, các công cụ, hướng dẫn, giáo dục và đào tạo được cung cấp ở các định dạng dễ tiếp cận, điều cần thiết để nâng cao nhận thức rộng rãi và toàn diện.
Thứ năm, nghĩa vụ của các quốc gia nhằm ngăn ngừa và bảo vệ người lao động khỏi BL&QR trong thế giới việc làm.
Các quốc gia phê chuẩn đảm bảo bảo vệ và ngăn ngừa BL&QR trong thế giới việc làm cần xác định các hành vi bị nghiêm cấm BL&QR trong thế giới việc làm trong pháp luật quốc gia, đồng thời áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn chặn hành vi đó, bao gồm cả việc yêu cầu NSDLĐ thực hiện các biện pháp cụ thể:
Một là, Công ước số 190 yêu cầu các quốc gia “thông qua luật và quy định để xác định và ngăn cấm BL&QR, bao gồm cả BL&QR trên cơ sở giới”.
Hai là, Công ước số 190 đưa ra các biện pháp tạo điều kiện và thúc đẩy sự thay đổi sâu sắc hơn về xã hội và chuyển hướng sang một mô hình tôn trọng, an toàn cho mọi người tại nơi làm việc. Điều 4 và Điều 11 kêu gọi các quốc gia phê chuẩn, với sự tham vấn của các tổ chức đại diện cho người lao động và NSDLĐ, giải quyết vấn đề BL&QR; phát triển các công cụ, giáo dục và đào tạo để nâng cao nhận thức về BL&QR. Biện pháp này giữ vai trò quan trọng nhằm ngăn chặn và loại bỏ BL&QR.
Thứ sáu, trách nhiệm của NSDLĐ trong việcphòng ngừa BL&QR.
Yêu cầu NSDLĐ “thực hiện các bước thích hợp tương xứng với mức độ kiểm soát của họ để ngăn chặn BL&QR trong thế giới việc làm, bao gồm cả BL&QR trên cơ sở giới”. Các nghĩa vụ cụ thể của NSDLĐ bao gồm:
- Thông qua và thực hiện chính sách phòng, chống BL&QR tại nơi làm việc;
- Xác định các rủi ro tâm lý xã hội, nguy cơ BL&QR đồng thời thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát chúng;
- Cung cấp cho người lao động và những người khác có liên quan các thông tin và ở định dạng phù hợp để tiếp cận;
- Quyền và trách nhiệm của người lao động và những người liên quan khác: Khuyến khích người lao động báo cáo các hành vi có thể dẫn đến BL&QR thông qua thủ tục khiếu nại và điều tra, cam kết của NSDLĐ để giải quyết mọi sự cố một cách kịp thời và hiệu quả.
- NSDLĐ phải cam kết bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của các người lao động, đảm bảo họ không bị trở thành nạn nhân hoặc bị trả thù.
Vào ngày 16 tháng 2 năm 2024, Bồ Đào Nha đã ký gửi văn kiện phê chuẩn Công ước về Bạo lực và Quấy rối năm 2019 (Số 190) , với Tổng Giám đốc ILO. Bằng việc ký gửi văn kiện phê chuẩn, Bồ Đào Nha trở thành quốc gia thứ 37 trên thế giới và là quốc gia thứ 8 trong Liên minh Châu Âu phê chuẩn Công ước số 190.
Sau đó vào ngày 20 tháng 2 năm 2024, Cộng hòa Philippines đã ký gửi văn kiện phê chuẩn Công ước về Bạo lực và Quấy rối năm 2019 (Số 190) với Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Bằng việc ký gửi văn kiện phê chuẩn, Philippines trở thành quốc gia thứ 38 trên thế giới và là quốc gia châu Á đầu tiên phê chuẩn Công ước số 190.
Bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc trong pháp luật lao động Việt Nam.
Theo Báo cáo nghiên cứu về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thực hiện, phần lớn các nạn nhân bị QRTD ở Việt Nam là nữ giới (78,2%) và độ tuổi của các nạn nhân này từ 18 tuổi đến 30 tuổi.
Hiện nay, các quy định về BL&QR tại nơi làm việc được quy định chủ yểu trong Bộ luật lao động (BLLĐ) năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. BLLĐ năm 2019 đã quy định chi tiết nhiều nội dung liên quan đến BL&QR tại nơi làm việc, đặc biệt là hành vi QRTD tại nơi làm việc. Các quy định này là cơ sờ để NSDLĐ xử lý kỷ luật đối với người thực hiện hành vi QRTD. Người lao động bị QRTD bởi bất kỳ chủ thể nào tại nơi làm việc, bị ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) ngay lập tức không cần báo trước. Quy định của BLLĐ không giới hạn chủ thể thực hiện hành vi QRTD bắt buộc phải là NSĐLĐ mà có thể là đồng nghiệp, đổi tác, khách hàng. Ngoài ra, để từng bước góp phần thực thi các qui định của pháp luật và thúc đẩy việc phòng, chống hành vi QRTD tại nơi làm việc, ùy ban quan hệ lao động (QHLĐ), do Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc năm 2015.
Các nội dung pháp luật chủ yếu về BL&QR tại nơi làm việc tại Việt Nam bao gồm:
Thứ nhất, xác định các hành vi BL&QR tại nơi làm việc:
04 nhóm hành vi liên quan bao gồm:
- Cưỡng bức lao động;
- QRTD tại nơi làm việc;
- Phân biệt đối xử
- Ngược đãi.
Trong 04 nhóm hành vi, hành vi QRTD được quy định chi tiết nhất. Hành vi QRTD được xác định là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. QRTD được phân loại bao gồm: hành vi QRTD mang tính thể chất, QRTD bằng lời nói và QRTD phi lời nói.
Thứ hai, đối tượng được bảo vệ
Theo quy định khoản 1 Điều 3 BLLĐ năm 2019 thì “Người lao động là người làm việc cho người sừ dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động”.
Ngoài ra, BLLĐ năm 2019 mở rộng thêm đối tượng điều chinh là “người làm việc không có quan hệ lao động”. Đây là nhóm đối tượng làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng HĐLĐ như người học nghề, tập nghề, thử việc…
Thứ ba, xác định nơi làm việc.
Nơi làm việc được hiểu là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của NSDLĐ, bao gồm:
- Những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại
- Các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do NSDLĐ bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại
- Nơi ở do NSDLĐ cung cấp và địa điểm khác do NSDLĐ quy định.
Thứ tư, trách nhiệm của NSDLĐ trong phòng ngừa BL&QR tại nơi làm việc.
PLLĐ hiện hành đã quy định việc phòng, chống QRTD tại nơi làm việc là một nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của NSDLĐ, tiến tới từng bước loại bỏ hành vi. NSĐLĐ có nghĩa vụ:
- Thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc cho người lao động;
- Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi QRTD tại nơi làm việc, NSSDLĐ phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị QRTD, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
- Pháp luật yêu cầu NSDLĐ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến phòng, chống QRTD tại nơi làm việc trong nội quy lao động.
Hiện tại Việt Nam chưa phê chuẩn thông qua Công ước về Bạo lực và quấy rối (số 190) tuy nhiên về cơ bản, quy định của pháp luật Việt Nam tại Bộ luật lao động năm 2019 cũng thể hiện đầy đủ tinh thần của Công ước 190 về phòng, chống bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc.
Giải pháp phòng chống Bạo lực và Quấy rối tại nơi làm việc
Ngày 15 tháng 1 năm 2024, Tổ chức ILO đã ban hành một báo cáo “Ngăn chặn và giải quyết bạo lực và quấy rối trong thế giới việc làm thông qua các biện pháp an toàn và sức khỏe nghề nghiệp”
Theo ILO: “Ngăn chặn và giải quyết bạo lực và quấy rối trong thế giới việc làm thông qua các biện pháp an toàn và sức khỏe nghề nghiệp”
Báo cáo nêu bật vấn đề phổ biến về BL&QR tại nơi làm việc trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến hơn 1/5 số người được tuyển dụng. Nó nhấn mạnh tác động đáng kể của BL&QR đối với các cá nhân, doanh nghiệp và xã hội, càng trở nên trầm trọng hơn do các điều kiện làm việc ngày càng phát triển như số hóa và các thách thức về cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các chiến lược toàn diện, bao gồm Công ước về Bạo lực và Quấy rối của ILO (Số 190) và các biện pháp an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OSH), để ngăn ngừa và giải quyết BL&QR, đồng thời xem xét các cách tiếp cận quốc gia khác nhau và tính hiệu quả của thương lượng tập thể các thỏa thuận và khuôn khổ pháp lý để giải quyết vấn đề này.
Theo ILO: “Ngăn chặn và giải quyết bạo lực và quấy rối trong thế giới việc làm thông qua các biện pháp an toàn và sức khỏe nghề nghiệp”
Giải pháp dành cho đối tượng doanh nghiệp, người sử dụng lao động:
- Thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật về phòng, chống BL&QR, đặc biệt QRTD tại nơi làm việc;
- Xác định các rủi ro tâm lý xã hội, nguy cơ BL&QR đồng thời thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát chúng;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống BL&QR, QRTD tại nơi làm việc cho người lao động và những người khác có liên quan;
- Khuyến khích người lao động báo cáo các hành vi có thể dẫn đến BL&QR, QRTD thông qua các thủ tục khiếu nại và điều tra. Từ đó NSDLĐ kịp thời ngăn chặn, giải quyết mọi sự cố một cách hiệu quả và cam kết có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo để tránh xuất hiện nạn nhân hoặc người bị trả thù tiếp theo;
- Pháp luật yêu cầu NSDLĐ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến phòng, chống QR&BL, QRTD tại nơi làm việc trong nội quy lao động.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.ilo.org/ankara/media-centre/statements-and-speeches/WCMS_712050/lang–en/index.htm
- https://www.ilo.org/global/publications/books/WCMS_908897/lang–en/index.htm
- https://www.ilo.org/ilc/ILCSessions/108/reports/texts-adopted/WCMS_711570/lang–en/index.htm
- https://www.ilo.org/ilc/ILCSessions/108/reports/texts-adopted/WCMS_711575/lang–en/index.htm
- https://www.ilo.org/global/standards/subjects-covered-by-international-labour-standards/equality-of-opportunity-and-treatment/WCMS_912939/lang–en/index.htm
- https://www.ilo.org/global/standards/subjects-covered-by-international-labour-standards/equality-of-opportunity-and-treatment/WCMS_913398/lang–en/index.htm
- https://daidoanket.vn/cham-dut-bao-luc-va-quay-roi-trong-cong-viec-10127325.html