Bệnh da nghề nghiệp là những bất thường về da do các tác nhân trong môi trường làm việc gây ra hoặc làm nặng thêm. Các yếu tố gây bệnh có thể là các hóa chất, yếu tố vật lý hay vi sinh vật, côn trùng. Bệnh tương đối phổ biến, chiếm tới 50% bệnh nghề nghiệp nói chung, trong đó có 90% là do hóa chất gây nên. Mặc dù số lượng mắc bệnh nhiều nhưng đa số không được ghi nhận dẫn đến số lượng thống kê không chính xác. Ngày nay, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, vấn đề công nghiệp hóa, ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều hóa chất độc hại trong sản xuất dẫn đến tình trạng các bệnh da nghề nghiệp ngày một nhiều, bệnh cảnh lâm sàng ngày càng đa dạng. Do vậy, việc chẩn đoán và điều trị bệnh ngày càng trở nên phức tạp.
1. Bệnh da nghề nghiệp thường gặp
-Viêm da tiếp xúc:
Viêm da tiếp xúc là một dạng tổn thương ngoài da khởi phát sau khi da tiếp xúc với các chất kích thích, dị ứng. Viêm da tiếp xúc thường bùng phát ở những vùng da hở, không được che chắn như da tay, chân, mặt, cổ…
Viêm da tiếp xúc kích ứng thường do chất có tính acid/base mạnh gây các tổn thương trên da như phù nề, đau rát, mụn nước, chảy dịch ngay tại vị trí tiếp xúc. Một số hóa chất, xà phòng, mỹ phẩm, nước hoa, côn trùng, ánh sáng…có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng do kích hoạt các phản ứng miễn dịch và dị ứng ở da gây tình trạng viêm, ngứa đỏ, sần sùi, mụn nước, bỏng rát…
Người lao động tiếp xúc hóa chất trong các ngành nghề: sản xuất, sử dụng xi măng, mạ crom, mạ điện, chất chống tĩnh điện, chế tạo ác quy, luyện kim, sản xuất hợp kim, sản xuất nến sáp, thuốc nhuộm, chất hoàn thiện dệt vải, chất tẩy rửa, chất trợ dung hàn, dầu và chất làm mát, keo dán, chất độn, đồ gốm sứ, thủy tinh, xà phòng, trồng, khai thác, sơ chế mủ cao su, sản xuất các sản phẩm có sử dụng cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su làm nguyên liệu, sử dụng các sản phẩm cao su như găng tay…
-Trứng cá và viêm nang lông:
Thường do làm việc trong môi trường nóng (hầm, lò, xưởng…), bụi (khu xây dựng, khai thác than, đá…), hay tiếp xúc các loại dầu mỡ bẩn trong quá trình lao động (sửa chữa máy móc, máy công nghiệp, vệ sinh công nghiệp, thau rửa bồn, bể; nghề, công việc khác tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất, dầu mỡ bẩn như dầu mazut, dầu hỏa, dầu nhờn, dầu mỡ bôi trơn động cơ, các loại mỡ parafin dầu thơm, benzen…). Ngoài ra, trứng cá do chlor (Chloracne) hay gặp ở những người tiếp xúc với chlorinated naphthalen và biphenyls có trong các cáp điện và dầu thừa công nghiệp chứa chlorinated biphenyls.
Các vùng da bị bít nang lông tuyến bã như mặt, cổ, lưng, đùi… sẽ xuất hiện sẩn mụn, mụn mủ. Vùng da tiếp xúc trực tiếp với dầu mỡ bẩn: lông đứt hoặc rụng, có khi lông không mọc lên mặt da mà quăn lại ở nang lông; chân lông có những nốt màu đen, bằng hạt kê, cậy có nhân, mùi hôi dầu mỡ; da khô bong vẩy, dày da hằn cổ trâu (lichen hoá).
– Sạm da:
Thường gặp ở người lao động tiếp xúc với xăng dầu; luyện cốc, than; sản xuất hóa chất phụ gia cao su; cơ khí; công việc khác tiếp xúc với chất làm tăng nhạy cảm của da với ánh sáng và ánh sáng cực tím.
Triệu chứng toàn thân có thể có các trước các triệu chứng ngoài da, từ vài tuần đến vài tháng. Người mệt mỏi, mất ngủ, nhức đầu chóng mặt, trí nhớ giảm, ăn uống kém ngon, sút cân…
Triệu chứng ngoài da: đỏ da vùng hở, kèm ngứa, sạm da mức độ tăng dần các vùng da hở như trán, hai bên thái dương, cẳng tay…,dạng hình mạng lưới, trên nền da xung huyết, giãn mạch, có thể kèm dày sừng các lỗ chân lông. Trên bề mặt da xuất hiện bong vẩy, có thể có teo da nhẹ kèm dày sừng; da sạm như chì, teo da rõ, nhất là ở vùng da mỏng.
– Ung thư da do nghề nghiệp:
Ung thư da do nghề nghiệp thường không phải ung thư hắc tố. Hay gặp nhất là ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào vảy ở những vùng da hở. Các tác nhân chính là tia cực tím, hydrocarbon thơm đa vòng, arsen, bức xạ ion hóa, chấn thương.
Nếu biểu hiện ban đầu là các ban dạng chàm, ngứa, khó phân biệt với viêm da tiếp xúc và thường bị chẩn đoán nhầm là viêm da tiếp xúc, viêm da thần kinh, chàm dạng đồng xu, vảy nến. Tuy nhiên, thương tổn dần dần thâm nhiễm cứng thành mảng và cuối cùng là giai đoạn u.
– Bệnh da nghề nghiệp do tia X, tia phóng xạ:
Tổn thương cấp tính rất hiếm gặp, thường là tổn thương viêm da mạn tính sau nhiều năm làm nghề có tiếp xúc với tia X, tia phóng xạ như đỏ da, da vùng ngón tay dần chuyển đỏ tím, mất tính đàn hồi, teo da chậm, đôi khi có loét, khó liền sẹo. Tổn thương móng mủn, có khía dọc ngang, xỉn màu, dễ gãy.
2. Phòng bệnh
Bao gồm kế hoạch dự phòng và bảo hộ lao động cho cả đơn vị sản xuất và cá nhân người lao động:
- Giáo dục các biện pháp sức khỏe, tư vấn để người lao động hiểu biết về các tác nhân gây bệnh và biện pháp dự phòng và bảo hộ lao động.
- Đào tạo về vệ sinh và chăm sóc da trong và sau quá trình lao động, vệ sinh không dùng nước.
- Cung cấp phương tiện, dung dịch vệ sinh trước và sau quá trình lao động.
- Trong quá trình sắp xếp vị trí việc làm, người lao động có tiền sử dị ứng như viêm da cơ địa, hen, mày đay… không nên làm việc có tiếp xúc với các chất nguy cơ gây dị ứng. Người bị trứng cá, viêm da dầu không nên làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, bụi, dầu mỡ, chất thơm…
- Đồ bảo hộ (Protective clothing) bao gồm quần áo, giày ủng, kính đeo, khẩu trang, mặt nạ, tạp dề, găng tay… Việc chọn đồ bảo hộ về chủng loại và chất liệu tuỳ thuộc vào nghề nghiệp và công việc của người lao động.
- Loại bỏ hay thay thế hay chất gây kích ứng da bằng chất thay thế ít độc hại hơn.
- Tổ chức khám định kỳ và phát hiện kịp thời các bệnh lý da để có biện pháp điều trị và dự phòng lâu dài.
- Sử dụng các loại kem bảo vệ da: bôi kem chống nắng khi phải làm việc ngoài trời, bôi kem dưỡng ẩm sau khi vệ sinh.
Sưu tầm và tổng hợp từ nhiều nguồn