Bắt đầu từ tháng 4, số lượng trẻ em mắc bệnh tay chân miệng (TCM) đến khám tại bệnh viện có chiều hướng gia tăng. Theo Bộ Y tế, thời tiết khí hậu nóng ẩm và việc giao lưu đi lại trở nên thường xuyên hơn là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh như TCM tiếp tục gia tăng.
Bệnh TCM dễ lây lan và rất có nguy cơ bùng phát. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh TCM. Vì vậy, cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh là các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng cần nâng cao hiểu biết về bệnh TCM để có ứng phó thích hợp.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh tay chân miệng do các chủng virus thuộc họ Enterovirus gây ra. Bệnh TCM lây từ người sang người qua tiếp xúc. Virus gây bệnh TCM có thể phát tán từ cơ thể người nhiễm bệnh ra môi trường qua phân, dịch đường tiêu hóa, nước bọt và mụn nước. Trẻ em mắc bệnh chủ yếu do tiếp xúc với mầm bệnh từ môi trường qua bàn tay, rồi đưa lên miệng, và nuốt phải virus.
Dấu hiệu nhiễm bệnh
Sau khi nuốt phải virus gây bệnh từ 3-7 ngày, người bệnh bắt đầu biểu hiện các triệu chứng như:
- Phát ban, mụn nước ở họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối
- Sốt, mê sảng
- Tiêu chảy, trên mông có nốt mụn lở, rộp da
- Bỏ ăn, đau miệng, nôn, tăng tiết nước bọt
TS.BS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương – lưu ý: “Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến điều trị kịp thời, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.”
Dưới đây là 3 dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh TCM ở trẻ có dấu hiệu nhiễm độc thần kinh và diễn biến nặng:
- Sốt cao trên 38,5oC, kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol
- Giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần. Hãy chú ý quan sát xem tần suất giật mình của trẻ có tăng theo thời gian hay không.
- Quấy khóc dai dẳng kéo dài, thậm chí trong đêm cứ 15-20 phút lại tỉnh rồi quấy khóc
Cách phòng ngừa
- Huấn luyện cho trẻ em thói quen vệ sinh tay và răng miệng sạch sẽ
- Thường xuyên vệ sinh bề mặt, đồ chơi, dụng cụ ăn uống bằng dung dịch sát khuẩn
- Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Chế biến kĩ thực phẩm trước khi ăn.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh
- Thông báo và đưa trẻ đi khám tại cơ quan y tế ngay khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống, Thông tấn xã Việt Nam, WHO